Sáng ngày 12/10/2016, Khoa Kinh tế – Tài chính trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học “ Đánh giá chương trình đào tạo ngành Kế toán”. Đây là Hội thảo thẩm định nội dung, chất lượng chương trình điều chỉnh ngành Kế toán nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.
ThS. Mai Thị Huyền – Quyền Trưởng khoa Kinh tế – Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo
Dự Hội thảo, về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, đại diện các phòng Đào tạo, phòng Tài chính – Kế toán; ThS. Mai Thị Huyền – Quyền Trưởng khoa Kinh tế – Tài chính và cán bộ, giảng viên bộ môn Kế toán.
TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chỉ đạo
Về phía khách mời có PGS.TS. Bùi Bằng Đoàn – nguyên Kế toán trưởng Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS. Nguyễn Tuấn Duy – Trưởng Bộ môn Kế toán Doanh nghiệp, Khoa Kế toán – Kiểm toán trường Đại học Thương Mại; ông Nguyễn Mạnh Tiến – Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ, Bộ Công thương; ông Nguyễn Tiến Lương – Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang; ThS. Hà Thị Minh Huế – PGĐ Tài chính, Kế toán trưởng Công ty CP Khoa học Công nghệ Đại Nam và một số cựu sinh viên đại học khóa 1 và khóa 2 ngành Kế toán .
ThS. Phạm Thị Dinh – Phó Trưởng khoa Kinh tế – Tài chính trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Báo cáo đề dẫn kết quả 16 năm đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành Kế toán, ThS. Phạm Thị Dinh – Phó Trưởng khoa Kinh tế – Tài chính cho biết: Về cơ bản, sản phẩm đào tạo của Nhà trường được các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt Sinh viên thuộc diện đào tạo theo địa chỉ hiện đang đảm nhiệm công tác kế toán ở nhiều địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng, khoa có 02 đề tài cấp Bộ, 20 đề tài cấp trường, 08 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí. Các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo được tổ chức thường xuyên đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn lao động tại nhiều địa phương.
ThS. Nguyễn Thị Ưng – Trưởng Bộ môn Kế toán trình bày báo cáo đề xuất điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Kế toán
Trên cơ sở những cơ hội và thách thức của quá trình đào tạo ngành Kế toán trong giai đoạn tới tại Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, ThS. Nguyễn Thị Ưng – Trưởng Bộ môn Kế toán đã đề xuất điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Kế toán cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, một số nội dung chủ yếu được xác định điều chỉnh gồm: sửa đổi bổ sung khối kiến thức cơ bản của ngành học, giảm số lượng môn học, giảm số tiết lý thuyết, tăng thực hành môn học, bổ sung các chuyên đề thực tập liên quan đến các kỹ năng cơ bản trong ngành kế toán hiện nay, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên trong quá trình đào tạo, đảm bảo sinh viên có thể tham gia thực hành tại các cơ sở sản xuất, địa phương khi có cơ hội.
TS. . Nguyễn Tuấn Duy – Trưởng Bộ môn Kế toán Doanh nghiệp, Khoa Kế toán – Kiểm toán trường Đại học Thương Mại đề xuất cần xem xét giữa số giờ thực hành và lý thuyết, nên xác định trọng tâm môn học
PGS.TS. Bùi Bằng Đoàn – Nguyên Kế toán trưởng Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh phải chú trọng Nguyên lý kế toán, tập trung vào Kế toán Doanh nghiệp và Kế toán Hành chính sự nghiệp, mở thêm các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý doanh nghiệp, các cán bộ, giảng viên đã tập trung thảo luận về một số vấn đề chính trong đề xuất điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Kế toán gồm: Cơ cấu giữa các mảng kiến thức đã phù hợp chưa; số lượng và tên các học phần thuộc chuyên ngành đã đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành Kế toán tổng hợp không, có nên cắt giảm bớt học phần nào không; tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành tại chương trình điều chỉnh đã hợp lý chưa; hiệu quả của việc thực tập tại các đơn vị, doanh nghiệp chưa cao cần có những điều chỉnh gì. Đã có 06 ý kiến trao đổi, góp ý được các vị đại biểu khách mời đóng góp vào đề xuất điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Kế toán.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo “Đánh giá chương trình đào tạo ngành kế toán” là dịp để các cán bộ, giảng viên khoa Kinh tế – Tài chính trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang được giao lưu, trao đổi, tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp. Từ đó xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đầu ra. Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng tốt với các yêu cầu công việc từ nhà tuyển dụng./.
TTTT-TV